Home » , » Cây tre Văn hóa

Cây tre Văn hóa

 Ở đâu người ta cũng có thể thấy cây tre trên đất Việt, nó được gắn bó với cổ sử trong việc giữ gìn khỏi ngoại xâm, trong tay của vị Thánh Gióng. Nó được hình tượng trong văn hoá làng xóm bằng luỹ tre làng, nó được nhân hoá là con người chính trực, nó biểu trưng sức mạnh dẻo dai của con người dưới thử thách.

Không riêng gì tại Việt Nam, có thể thấy tại Nhật Bản, cùng với thông và mận, tre là một trong ba cây báo điềm lành.

Tại Trung Hoa, cây tre là một trong những yếu tố chính của hội họa đời Tống, phái Thiền tông trong Phật Giáo lấy nó để chiêm niệm về cành lá vô ưu, từ đó có ảnh hưởng nhiều trên tranh thuỷ mặc. Giống như nghệ thuật Zen của Nhật Bản, tại Trung Hoa các thiền sư vẽ tre không chỉ là một nghệ thuật: còn là rèn luyện tinh thần, tập chú để đổ rỗng, chú tâm để nhập định. Cây tre với hình thức tuyệt vời của nó: Dáng thẳng tắp chẳng có gì so sánh nổi, trong tư thế phóng lên trời với lòng không (rỗng đốt).

Cây tre trong đó có thể tìm gặp thấy hai ưu điểm, mềm mại như cánh hoa hồng, đó là nhân đức của tình thương; cứng rắn như kim cương, nhân đức của một con người tuân theo kỷ luật. Nó còn là hình ảnh của shunyâta, sự trống rỗng của trái tim - với Phật giáo, thậm chí với Đạo giáo, là biểu tượng của các đặc tính và mục đích của việc tu luyện. Trong thiền quán, người ta còn đọc ra nơi cây tre một dấu chỉ của sự bình an nội tại, bình an trong tâm hồn của chính mình để bình an cho khắp cả thiên hạ, sự bình an của nó biểu trưng nơi “cành lá vô ưu”.

Có một điều khác cũng không nên quên sức gợi của tiếng tre kẽo kẹt, một vài bậc hiền minh coi là tín hiệu của sự thông tuệ. Thiền sư Obaku Taiho (1691-1774) người Trung Hoa di cư sang Nhật Bản 1722, người chuyên vẽ về cây tre, ông đã đưa cây tre vào trong thiền quán với những dòng thư pháp một cách linh hoạt để gợi nhắc định tâm. Trong tác phẩm “Tre trong tuyết” được tác giả vẽ bằng mực trên lụa, vừa mềm mại vừa tỏ tính kiên trung dưới trời giá rét, những cành lá bắt chéo nhau như vòng tay nguyện cầu, song cũng có những chiếc lá đứng thẳng trên trời không, cũng giống như bàn tay khấn cầu đưa lên trong sự thống thiết. Những nét vẽ như một ngôn ngữ đích thực, với những gam màu, sự hoà quyện không gian và thụ tạo, chỉ bằng trực giác tinh tuyền mới có thể đạt đến được.

Tại nhiều miền văn hoá khác nhau, trong rừng sâu, người ta dùng tre để đốt lửa đuổi thú dữ, xua đuổi tà khí, nhờ những tiếng nổ từ những đốt tre nổ tung do bị bịt kín trong khi đốt làm nên những tiếng nổ xua đuổi.

Thường bụi tre rậm cũng biểu trưng cho sự trở ngại cổ điển, thường thấy trong tranh hình vẽ khu rừng tội lỗi mà chỉ có con hổ, biểu tượng quyền năng tinh thần của đạo Phật, mới vượt qua được. Một văn bản đời Đường đồng nhất cây tre với con rắn, hình như tre biến thành rắn là việc dễ dàng (hẳn là theo nghĩa lành).

Đối với người Bamoun và người Bamiléké, một khúc tre gọi là Guis (nụ cười) là một biểu tượng của niềm vui, niềm vui giản dị được sống, không bệnh tật, chẳng ưu tư.

Trong thời kỳ đồ đá, thanh tre được hơ cho rắn lại để làm nên những dụng cụ sắc bén, để cắt, để săn thú và có khi dùng để chặt. Công dụng của cây tre thì nhiều vô kể, cây tre làm nhà, làm giường làm tủ, làm rổ làm rá, cây tre dùng để câu cá, để làm bẫy, làm rọ, làm nơm… Trong văn hoá thì dùng làm bút, than làm mực, thanh tre làm bản ghi, làm tranh khắc… Cây tre trở thành mặt hàng công nghiệp xuất khẩu với các mặt hàng Mây, Tre, lá. Tính năng đa dạng của cây tre nói lên tinh thần tháo vát của người Việt từ bao đời nay. Không có khó khăn nào mà không vượt qua được. Nó đại diện cho sự chân thành mà không sáo rỗng, nó dùng để làm thân nhang tỏ niềm tri ân, nó dùng để làm nên ống để dẫn nước về làng, dùng làm nồi để nấu cơm, nướng thịt… Khắp cả cuộc sống cây tre đều có mặt, đơn giản nhưng không thể thiếu. Mộc mạc nhưng không thể vắng. Nó bao hàm nhiều tính chất tâm hồn thầm lặng mà kiên trung.

Nhiều nơi trên vùng cao nguyên, người dân tộc tại Việt nam dùng nó như những thanh nhạc làm nên chiếc đàn Tơ- rưng, dùng trong lễ hội. Là nhạc khí, cây trúc, được khoét rỗng, để bịt lại một đầu, làm nên cây sáo trúc, trẻ em chăn trâu thường dùng thổi những khúc nhạc đồng quê. Chỉ ở đây thôi, với những nhạc khí làm bằng tre đã thấy biểu lộ sự yên bình của một cõi tu trải dài trên Đất Việt.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Share this video :

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên kết : Fanpage | Google+ | Twitter
Copyright © 2013. Test Blogger - All Rights Reserved
Designed by Thanh Vaga Published by Vẻ đẹp Việt Nam
Proudly powered by Blogger