Lũy tre |
Mỗi khi nghĩ tới quê hương trong tâm trí mỗi người Việt Nam ta lại hiện lên thấp thoáng những cánh đồng với cánh cò bay lả bay la, với những lũy tre làng tỏa bóng râm mát, với cánh võng trưa hè kẽo kẹt gió đưa, với hàng cau bên hiên nhà thoảng đưa hương dìu dịu…
Từ xa xưa, cây tre đã gắn bó với cảnh vật, với nếp sống, nếp nghĩ và cả nếp văn hóa Việt Nam bình dị mà đầy sức sống, dẻo dai mà cứng cỏi trước gió bão thiên tai, trước trộm đạo, giặc cướp, giặc ngoại xâm- nhân tai. Làng quê Việt Nam với những rặng tre rợp bóng quanh làng,nghiêng xuống nơi bờ ao tạo nên nép đẹp bình yên. Không thể kể hết sự gần gụi và tính đắc dụng của tre đối với người nông dân Việt Nam. Tre làm nhà cửa- vì kèo, phiên liếp, vách tường… Tre làm vô số vật dụng cho nhà nông – cán cuốc, cán dao, cái bừa, cái cào, cái ách quàng lên cổ con trâu, cái cần câu, cái vó cất tôm cất tép, cái đơm cái đó, cái bè cái mảng, cái đòn gánh cong cong, đôi quang gánh đung đưa cho bà cho cô đi chợ, cho nặng trĩu bó mạ, gánh phân ra đồng, cho lúa chín mẩy mình chắc hạt từ đồng về nhà. “ Cối xay tre ngàn đời quay xay nắm thóc” Cầu ao tre cho người giặt giũ, cho trẻ nô đùa tắm mát. Cầu tre bắc qua con mương, con kênh. Mấy nhịp cầu tre để đôi lứa yêu nhau, cởi áo cho nhau về nhà mẹ hỏi – qua cầu gió bay. Khung cửi tre, cái xa quay sợi để “ bên anh đọc sách bên nàng quay tơ”. Tình yêu, hạnh phúc lứa đôi của người lao động thật giản dị, đơn sơ mà tha thiết, thủy chung làm sao. Tre từng được dùng để làm ra các đồ gia dụng trong nhà. Nhỏ bé như cái tăm tre, mỏng mảnh như cái lạt mềm buộc chặt. Rồi rổ, rá, giần, sàng, cái rế đựng nồi, cái gáo múc nước. Thoáng đãng mà chắc chắn là cái chạn tre. Thoáng đãng mà mát mẻ là cái chõng tre, cái quạt nan tre, để rồi vợ chồng như đũa có đôi…Những triền đê được giữ vững trước nước lụt, bão tố, ngoài phần công sức của con người đóng cọc tre, gánh đất đá đắp bồi nên những con đê, còn có công sức của bụi tre giữ đất, chống xói mòn. Khi đất nước có giặc ngoại xâm những bụi tre đằng ngà, những cung, nỏ, bàn chông, gậy tầm vông vạt nhọn đã là chứng tích đi vào lịch sử. Những chiều quê êm ả, cánh diều trẻ thơ, tiếng sáo chăn trâu gọi ta về với quê cha đất tổ. Ấm áp thay là quê hương. Sâu nặng thay là quê hương. Ngay Tết giá như ta còn ông bà để trở về quê. Tết quê xưa, ngày cuối năm hay còn gọi là bữa trừ tịch trước cửa nhà dựng một cây tre, trên buộc giỏ bằng tre, trong giỏ bỏ trầu cau vôi, bên giỏ có giấy vàng giấy bạc. Người xưa treo lên cây nêu nào là khánh là chuông nhà Phật, để cho biết ở đây có Phật độ trì ma tà quỷ dữ tránh xa, bình an đến với mọi nhà. Ngay 7 tháng Giêng hạ cây nêu, gọi là triệt hạ. Bao nợ nần, bao tranh dành trong khoảng thời gian này tạm gác, đợi qua ngày hạ nêu. Giữa bao thiết bị, vật dụng hiện đại hôm nay, ta vẫn gặp đâu đó, không nhiều, những đồ dùng bằng tre. Nhưng cây nêu ngày tết không còn nữa. Một mỹ tục đậm bản sắc dân tộc, một hành vi mang nhiều ý nghĩ tốt đẹp, hướng con người đến với cái thiện như thế đã vắng bóng.
Cây tre cứng mà mềm mại, uốn cong mà vẫn thẳng thắn, đổ mà không gãy, lá nhỏ mà bóng rợp, luôn vươn lên xanh tươi dù ở nơi đất cằn sỏi đá. Tre không sống lẻ loi mà cả bụi tre, rặng tre, có măng tre, búp tre tay tre, cây tre già, cây tre đực. Gốc liền gốc, rễ đan vào rễ. Trước cuồng phong, thân tre uốn lượn, quăng lên quật xuống theo chiều gió. Tre chịu trốc cả gốc rễ, ngã xuống cả thân cây, bụi cây.Tre, trúc tượng trưng cho mẫu người quân tử theo quan niệm của các nhà nho phương Đông. Cây tre là một biểu tượng điển hình của nguyên lý cương nhu phối triển, của một nhân cách, một lối sống cao thượng, nhân hòa. Lòng tre rỗng không được ngăn cách với bên ngoài bằng từng đốt tre bịt kín. Tâm của người quân tử trong sáng, không chứa đựng một vọng niệm ác ý nào như tâm của cây tre vậy.
Có mặt ở nhiều nước châu Á từ xa xưa,cây tre cũng gắn bó thân thiết với người dân Việt từ ngàn năm rồi. Cây tre là biểu trưng cho tính chất bản sắc riêng của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Cuộc sống sẽ ra sao nếu thiếu vắng cây tre? Cuộc sống đã hiện đại mà sẽ ngày một hiện đại. Thành phố đang trải dài, mở rộng. Các khu đô thị, khu công nghiệp đang mọc lên trên những cánh đồng. Những nhà ngói, nhà tầng đang thay dần ở nông thôn. Xi măng, sắt thép, gạch đá là nguyên vật liệu xây dựng nhà cửa. Đồ gỗ, đồ dùng nhôm nhựa đa dạng, tiện lợi trong sinh hoạt hàng ngày. Phạm vi sử dụng của tre thu nhỏ lại. Những con đường liên thôn, liên xã, nối liền các huyện đã và đang được bê tông hóa hình như không phù hợp với nhứng rặng tre làng. Bóng tre nhỏ đi. Cây tre gần gũi thân thiết bao đời nay người quên kẻ nhớ. Chen giữa những ồn ã phố phường, giữa bao bụi bặm công nghiệp, cây tre – những sản phẩm từ tre vẫn một vóc dáng riêng. Nhiều nước châu Á vẫn phát triển trồng tre và chế biến tre. Tre bảo vệ môi trường, chống xói mòn đất, chống xói lở bờ sông. Tre mọc ken dày có thể giảm cường độ của gió, giảm sự tàn phá của những cơn bão và gió lốc. Nước ta cũng như nhiều nước quanh vùng đang sử dụng các cây thuộc họ tre làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp giấy. Tre đã được sử dụng làm những căn nhà cao tầng cùng với các loại vật liệu khác.Nhà kính khung tre, bàn máy tính bằng tre, ván trượt lướt sóng bằng tre và quen thuộc hơn cả vẫn là đồ dùng nội thất bằng mây tre. Bàn ghế, giừơng tủ tre nhiều kiểu dáng sinh động, trông thanh mảnh mà cứng cáp vẫn được dùng trong gia đình và xuất khẩu. Người dùng đồ đạc bằng tre mang nhiều chất nghệ sĩ trong cách sống của mình. Một căn phòng với bàn ghế tre, chụp đèn đan bằng tre, trải chiếu cói, cắm hoa sen trong lọ sành…một phong cách riêng ấn tượng. Một quán ăn buông mành tre, ốp tường tre, chõng tre, chiếu cói, cả đến khung ảnh trên tường, đèn lồng…tất cả đều sử dụng vật liệu dân gian tạo một cảm giác ấm áp khó quên. Nhu cầu về tre hạn hẹp lại nhưng tinh xảo hơn. Hình tượng cây tre là nguồn cảm hứng bất tận để người nghệ sĩ gửi gắm tâm hồn và tư duy sáng tạo nghệ thuật. và tranh tre là một loại hình như vậy. Các tranh dân gian như Đánh ghen, Đám cưới chuột, Hứng dừa, đấu vật, tranh tứ quý, phang cảnh, tĩnh vật... được cắt hình tạo mẫu bằng tre. Phong cảnh đồng quê, các cảnh sinh hoạt nông thôn cũng được các nghệ nhân đưa vào tranh tre tạo nên những nét đẹp mới. Tranh tre đem đến cảm xúc thân thuộc, bình dị, đem lại sự tĩnh lặng, thư thái hồn người. Một số loại tre trúc được trồng làm cây cảnh thu nhỏ trong chậu, thu nhỏ nơi góc hòn non bộ. Cái tăm tre nhỏ xíu vẫn được ưa chuộng nhiều nhất dẫu bây giờ đã có tăm gỗ, tăm nhựa. Dóc tăm ra xỉa kẽ răng, cọ chân răng thường xuyên như các cụ ta xưa thì răng vẫn trắng đẹp. Rồi còn nữa lạt tre gói bánh chưng xanh quanh năm và ba ngày tết, cái giần,cái sàng cho hạt gạo nhà nông, chiếc đòn gánh cho người lao động. Cái đòn gánh của “ cái cò lặn lội bờ sông / gánh gaol đưa chồng tiếng khóc nỉ non” trong ca dao xưa vẫn tảo tần trên đôi vai người phụ nữ. Cải mảnh đòn tre dẻo bền, êm ái không gì thay thế được. Cái gánh khó gánh nghèo theo mẹ theo chị trên đồng, trên chợ, ra ngoài thành phố nhẫn nhịn nuôi cái cùng con. Xin hãy nhẹ tay khi giằng đi, quằng đi cây đòn gánh buốt đôi vai, bóng mồ hôi của mẹ kiếm tiền nuôi cái chữ cho con nên người. Xin hãy đừng quên ta vốn gốc người nhà quê kẻ chợ, bờ ruộng, nếp nhà, bóng mát bụi tre.
Việt Nam, đất nước bốn mùa xanh tươi cây cối. Ngàn con mắt lá, ngàn tiếng rì rào. Cây nói lời của mình với mỗi chúng ta. Cây tre Việt nam, tiếng nói Việt Nam đưa ta về với cội nguồn, với giản dị, yêu thương.
Theo: Bùi Kim Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét